Hà nội mưa lạnh nhất từ đầu năm đến giờ (ngoài đường có 8 hay 9 độ gì đó) , tôi lại ngồi khua bút hầu các cụ một chút về swing. Mong các cụ đọc với tinh thần tham khảo là chính, cân nhắc kỹ trước khi sử dụng , hoan nghênh các ý kiến phản biện mang tinh thần xây dựng .
Trong bài trước tôi đã viết về những thứ chung nhất của cả lower body (chân hông) khi downswing, bài này tôi đi sâu hơn vào chi tiết, đặc biệt vào phase đầu tiên của quá trình downswing đó là “weight shift” hay còn gọi là “lateral move” hay “sàng hông”.
1. Sàng hông là gì?
Trong bài trước tôi đã nhắc đến nhịp theo phương ngang (horizontal rhythm) khi backswing và downswing sẽ là “SHIFT – TURN – SHIFT – TURN”, (trong đó nhịp shift sẽ bắt đầu trước, sau đó là turn) thì nhịp shift chính là nhịp “sàng hông” (hành động di chuyển của tâm hông theo phương ngang), sàng hông sang phải khi backswing sau đó lại sàng hông sang trái khi downswing (trong bài chỉ mô tả cho người thuận tay phải cho thống nhất)!
2. Tại sao phải sàng hông? Tại sao phải shift rồi mới turn mà không turn luôn?
Câu trả lời là “initial inertia” – đà ban đầu!
Một trong mục đích quan trọng nhất của sàng hông là để tạo đà ban đầu cho chuyển động!.
Tôi sử dụng ví dụ quá trình tăng tốc của một chiếc xe máy/ô tô từ 0-100km/h cho các cụ sẽ dễ hình dung nhé. Từ trạng thái đứng yên, việc đầu tiên bạn cần làm là cài số 1 (máy khỏe nhất) để bắt đầu cho xe chuyển động, ngay sau khi xe đã có đà rồi bạn sẽ cài tiếp số 2, rồi 3, rồi 4 và rồ ga để xe tăng tốc nhanh chóng đến vận tốc 100km/h. Chứ không ai lại khởi động xe lại cài ngược từ số 4 để rú ga đúng không ạ (thế mà tôi vẫn thấy anh em amatuers toàn làm thế, thật đau lòng) .
Ở đây số 1 chính là phase sàng hông, sử dụng những cơ rất lớn và khỏe như bắp chân, bắp đùi, cơ mông… Số 2 là bắt đầu xoay hông, số 3 là xoay ngực, số 4 là xoay tay…vv…
Trả lời câu hỏi tiếp theo tại sao không turn luôn mà lại shift xong rồi mới turn. Cái này liên quan đến lực mặt đất GRF và cách tạo ra mô men xoắn (torque) tối ưu cho swing. Vì torque nó sinh ra bởi độ lớn lực và cánh tay đòn vậy nên lực tạo ra ở 2 chân không bao giờ nên bằng nhau hay đối xứng, cần một độ lệch của lực càng lớn càng tốt ở hai chân sẽ sinh ra nhiều cánh tay đòn hơn đồng nghĩa với nhiều torque hơn, chính vì vậy mà nên shift áp lực thật rõ ràng khi swing, đặt áp lực thật lớn vào chân phải hoặc chân trái rồi mới turn, đó là cách tối ưu nhất cho mô men xoắn!
3. Vậy thì shift bao nhiêu thì đủ? Kể cả chuyên nghiệp cũng có người shift ít, có người shift nhiều? Ưu nhược điểm của nó là gì?
Việc sàng bao nhiêu sang phải/trái khi backswing và downswing phụ thuộc vào tốc độ và thời gian thực hiện cú swing của bạn! mỗi cú swing sẽ có tham số riêng của nó.
Để biết nên sàng bao nhiêu là đủ thì việc đầu tiên bạn phải hiểu cần bao nhiêu đà ban đầu (teeth). Ví dụ khi backswing là chuyển động chậm, bạn cần ít đà ban đầu hơn thì bạn sàng rất ít, nhưng khi downswing ở tốc độ cao bạn cần tạo nhiều đà ban đầu hơn đồng nghĩa sàng nhiều hơn.
Thêm một tham số nữa ảnh hưởng biên độ và thời gian sàng hông là độ khỏe của cơ bắp, chính vì thế chúng ta nhìn thấy các golfer chuyên nghiệp họ sàng rất ít nhưng vẫn tạo ra được nhiều đà ban đầu trong khi nghiệp dư có xu hướng swing sàng sê lắc lư nhiều hơn vì cơ bắp của họ yếu và thiếu hiệu quả hơn.
4. Như vậy việc sàng hông rõ ràng là cần thiết, đặc biệt với những người mới tập và amatuers để tạo ra được cú swing có lực và mượt mà hơn (các bác có tự thấy là khi sàng mình dễ swing hơn hẳn khi mà cố đứng im và xoay tròn không?), phải khẳng định đó là điều tự nhiên và cần thiết! TUY NHIÊN!!!
Ngược lại việc sàng hông cũng mang lại những ảnh hưởng xấu đến chất lượng swing, quan trọng nhất đó là độ ổn định khi impact! (cái thứ quan trọng hàng đầu của dân chuyên nghiệp). Việc sàng hông càng nhiều sẽ làm trục xoay/trục xương sống (spine axis) càng lắc lư và bất ổn định, khiến vòng swing cũng bất ổn định theo (cả về hướng in-out và cả điểm lowpoint của mặt gậy). Chính vì vậy khi quan sát swing của chuyên nghiệp rất gọn gàng, ổn định, và ít sàng hông vì họ vận dụng hiệu quả cơ bắp và chuyển động để tối thiểu quá trình sàng nhưng vẫn sinh được đà ban đầu đủ lớn cho quá trình tăng tốc tiếp theo! Cuối cùng thì, tôi cũng đồng quan điểm với thầy Dr. Kwon: “Hãy mạnh dạn sàng hông, đó là cách tự nhiên tạo ra cú swing trơn tru, bản năng sẽ mách bảo bạn cách tạo ra đà ban đầu cho chuyển động!. Khi bạn chơi tốt dần lên thì bắt đầu giảm dần các nhịp sàng ngang (horizontal rhythm) và nâng cấp nhịp up-down (vertical rhythm)!” Lưu ý: – Quá trình sàng hông hoàn toàn có thể quan sát được qua đồ thị chuyển động của CoM và CoP trong công trình của thầy Kwon, nhưng tôi không đưa thêm vào đây dễ gây nản cho anh em amateurs, bác nào cần inbox em gửi hình ảnh cho xem (teeth). – Bài viết không thể phổ quát hết ưu nhược điểm của quá trình sàng hông, đặc biệt chưa hề nhắc đến ảnh hưởng quan trọng của nó đến chuyển động thân trên và quỹ đạo gậy.
– Chúc các bác vui khỏe với golf. Dr. Qwon